Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tự hào 25 năm xây dựng và trưởng thành Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 2380

Cách đây gần 25 năm, thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Ngày 15/10/1998, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) được thành lập theo Quyết định số 1945/QĐ-TC-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng với chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.

Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm chỉ có 03 cán bộ và 01 Giám đốc Trung tâm do Phó Giám đốc Sở Tư pháp kiêm nhiệm. Công tác trợ giúp pháp lý còn mới mẻ có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho các cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, biên chế ít, kinh phí hoạt động hạn hẹp,... cán bộ Trung tâm vừa làm, vừa học hỏi rút kinh nghiệm. Mặc dù khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý và Sở Tư pháp, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ trung tâm, Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã dần đi vào nề nếp và phát huy được hiệu quả thiết thực.

Trong giai đoạn (từ năm 1998 đến năm 2006), triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý Trung tâm đã tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí được 2.666 vụ việc. Trong đó tư vấn 2.460 vụ, kiến nghị 50 vụ, bào chữa 154 vụ, đại diện 01 vụ, hòa giải 01 vụ. Bên cạnh việc tư vấn, giải đáp pháp luật trực tiếp tại trụ sở; trả lời đơn của công dân; kiến nghị các vụ việc; mời cộng tác viên là luật sư tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng tại phiên tòa khi có yêu cầu… Trung tâm thường xuyên tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động xuống các thôn bản, xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất của tỉnh, trung bình mối tháng 03 đợt; làm việc, sinh hoạt với người dân không kể ngày hoặc đêm để tiếp xúc, trao đổi và tư vấn pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý thực hiện tư vấn pháp luật cho người dân tại trụ sở Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng.

Năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua và được thay thế vào năm 2017 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chú trọng hơn đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý trực tiếp cho người dân thông qua các hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật.

Nhằm triển khai có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền đã nghiêm túc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, các chương trình, đề án của Chính phủ về trợ giúp pháp lý và triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý bằng nhiều giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý; thực hiện các hoạt động quản lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý như công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý…; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý...

Kết quả từ khi triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý 2006 đến nay, Trung tâm đã thực hiện được trên 6.900 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí; gần 1.000 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở; trên 110 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại cơ sở; lắp đặt hàng trăm Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở Ủy ban nhân dân, Trung tâm bưu điện, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hóa, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn và tại các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ; Phát hành và cấp phát 2.000 đĩa CD về chuyên đề pháp luật dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông Dao; 800 đĩa CD bằng tiếng dân tộc Tày và phát hàng triệu tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân.

Đoàn công tác của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng thực hiện Truyền thông và trợ giúp pháp lý cho người dân tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình.

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm cũng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý được tiếp cận, thụ hưởng quyền trợ giúp pháp lý theo quy định; được lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý…

Trải qua gần 25 năm xây dựng và trưởng thành, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày càng có hiệu quả, không ngừng đổi mới, nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng. Đã giúp nhiều đối tượng yếu thế được tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí, góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng tham gia bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý tại phiên Tòa.

Đến nay, Trung tâm đã có 23 biên chế, trong đó có 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc, 03 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 03 Chi nhánh đặt tại các huyện Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang; cơ sở vật chất đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 13 Trợ giúp viên pháp lý, chiếm gần 60% biên chế là những người được đào tạo nghiệp vụ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý một cách độc lập. Về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý: 100% các vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá đều đạt chất lượng và không có phát sinh yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, kiến nghị, khiếu nại của người được trợ giúp pháp lý cũng như phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện.

Với những kết quả đạt được qua một chặng đường 25 năm không ngừng nỗ lực phấn đấu, tập thể Trung tâm nhiều năm liền vinh dự được Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, Bộ Tư pháp tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua theo chuyên đề; nhiều cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp…. Tuy nhiên, hơn cả những danh hiệu cao quý đó, giờ đây trợ giúp pháp lý đã và đang trở thành chỗ dựa, tạo được niềm tin trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh./.

Hà Điệp

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ...