Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Niềm vui của “Mẹ già” neo đơn khi được giữ lại đất
Lượt xem: 2267

Năm 1992, gia đình bà N.T.R có khai hoang thửa đất đồi ở sau nhà để trồng cây ngô, cây sắn. Đến năm 1997 được Nhà nước hỗ trợ giống cây thông, gia đình bà đã sử dụng thửa đất này để trồng, chăm sóc và bảo vệ 150 cây thông từ đó đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng đất gia đình lại chưa kê khai và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau gần 30 năm canh tác không có tranh chấp, nay ông Đ.V.N chủ sử dụng thửa đất liền kề khởi kiện bà N.T.R tranh chấp đòi lại quyền sử dụng diện tích 2.103 m2 đất trồng rừng và 150 cây thông trồng trên đất. Nguyên đơn ông Đ.V.N cho rằng phần đất này thuộc thửa số 136, tờ bản đồ số 01 nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 052604 mà nguyên đơn đã cung cấp cho Tòa án để làm chứng cứ cho yêu cầu khởi kiện của mình.

 Bà N.T.R hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo, neo đơn, lại còn mù chữ, nhận thức pháp luật thấp; là người bị kiện, bị đơn trong vụ án nên bà N.T.R không khỏi lo lắng và gặp vô vàn khó khăn trên hành trình bảo vệ quyền lợi cho mình.

Khi biết được đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cơ quan tiến hành tố tụng đã giải thích quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí và chuyển thông báo yêu cầu trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng. Nhận được thông báo, Trung tâm ban hành Quyết định phân công Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn bà N.T.R sinh năm 1969, cư trú tại một xã vùng cao biên giới của huyện H trong vụ án“Tranh chấp quyền sử dụng đất và bồi thường thiệt hại về tài sản” từ giai đoạn chuẩn bị xét xử.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn bà N.T.R, Trợ giúp viên pháp lý đã vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, nghiên cứu và áp dụng các quy định của Luật đất đai năm 2013, Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 trên cơ sở của pháp luật, tuân thủ quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý.

Tư vấn, hướng dẫn bị đơn làm đơn yêu cầu Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ. Xác định việc thẩm định tại chỗ là chứng cứ quan trọng để chứng minh thửa đất chưa đăng ký kê khai, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và là căn cứ để bác bỏ ý kiến của nguyên đơn ông Đ.V.N cho rằng phần đất và tài sản gắn liền với đất đang tranh chấp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nguyên đơn. 

Trợ giúp viên pháp lý và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh ranh giới, mốc giới theo hiện trạng sử dụng thửa đất của bị đơn bà N.T.R.

Đồng thời, Trợ giúp viên pháp lý đã tiến hành thu thập chứng cứ, lập 05 Biên bản xác minh ranh giới, mốc giới theo hiện trạng sử dụng thửa đất; thực hiện đánh giá các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đảm bảo tính khách quan, liên quan và hợp pháp, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sử dụng để chứng minh gia đình bà N.T.R đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Trợ giúp viên pháp lý còn vận dụng Khoản 1 và 4 Điều 91, Điều 108 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh và đánh giá chứng cứ. Theo đó, nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện nên phải có nghĩa vụ chứng minh nhưng do nguyên đơn ông Đ.V.N không chứng minh được, Trợ giúp viên pháp lý đề nghị Tòa án bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đ.V.N đối với diện tích đất 2.103m2 và 150 cây thông, diện tích đất này không thuộc thửa đất số 136, tờ bản đồ số 01 nằm trong bìa đỏ AG 052604 mà do bị đơn bà N.T.R đang quản lý và sử dụng.

Trong suốt quá trình giải quyết vụ án từ cấp xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm, Trợ giúp viên pháp lý đã luôn đồng hành cùng bị đơn bà N.T.R. Kết quả cuối cùng, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, bác bỏ đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Đ.V.N về việc đòi lại quyền sử dụng diện tích 2.103 m2 đất trồng rừng, 150 cây thông trồng trên đất của gia đình bà N.T.R và công nhận quyền sử dụng thửa đất này cho gia đình bà N.T.R. Nghe tuyên án bị đơn bà N.T.R vỡ òa trong vui mừng. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã lấm tấm trên gò má của “Người mẹ già neo đơn” nơi vùng cao biên giới.

Chia tay ra về bà N.T.R không quên nói lời cảm ơn Trợ giúp viên pháp lý, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đây chính là nguồn động lực để Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Cao Bằng nói chung và các Trợ giúp viên pháp lý nói riêng không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu để đem lại công lý, công bằng cho những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Nông Sự - Hà Điệp.

Tin khác
1 2 3 4 5  ...