Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lịch sử phát triển

 Cách đây hơn 70 năm, ngày 28/8/1945 tại Hà Nội, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia với 13 Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp của chế độ mới chính thức ra đời từ đó và ngày 28 tháng 8 chính thức được công nhận là ngày truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam.

      Qua hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, ở từng giai đoạn lịch sử ngành Tư pháp được giao những nhiệm vụ khác nhau phù hợp với yêu cầu cách mạng. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là phải dựa vào nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu và phục vụ, đến nay Ngành Tư pháp Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thử thách và đã có những bước trưởng thành về nhiều mặt, hệ thống tổ chức bộ máy chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tăng về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác tư pháp được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung trong sự nghiệp cách mạng trong đó nổi bật là:

     - Trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế: Ngành Tư pháp luôn thực hiện tốt vai trò chủ trì soạn thảo các bộ luật và các văn bản pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành; thực hiện tốt chức năng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra rà soát và sử lý văn bản quy phạm pháp luật. Những kết quả đó đã góp phần rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong những năm qua. Đồng thời công tác xây dựng văn bản pháp luật, thẩm định, kiểm tra, xử lý đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi đã góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng.

        - Trong tiến trình phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế ngành Tư pháp luôn thực hiện tốt công tác quản lý về hộ tịch, quốc tịch, kết hôn có yếu tố nước ngoài, nuôi con nuôi trong và ngoài nước; tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện đúng các công ước hoặc cam kết quốc tế về lĩnh vực tư pháp mà Việt Nam tham gia; Quản lý chỉ đạo và thực hiện tốt công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác Luật sư, công chứng, Bán đấu giá tài sản, Trợ giúp pháp lý, Giám định tư pháp, Kiểm soát thủ tục hành chính và quản lý xử lý vi phạm hành chính...


Trụ sở Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng

         Cùng với sự phát triển chung của ngành Tư pháp Việt Nam, ngành Tư pháp tỉnh Cao Bằng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cấp Ủy đảng và chính quyền địa phương cũng đã không ngừng được xây dựng củng cố và trưởng thành. Từ những ngày đầu mới thành lập theo quyết định số 272 ngày 21 tháng 4 năm 1982 của UBND tỉnh Cao Bằng Sở Tư pháp chỉ có 3 cán bộ được chuyển từ bộ phận pháp chế trực thuộc UBND tỉnh với trình độ trung cấp pháp chế, chưa có cán bộ lãnh đạo. Để kiện toàn bộ máy, trước hết là người đứng đầu. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thống nhất với Bộ Tư pháp đã điều động đồng chí Phó Chánh án tòa án nhân dân tỉnh sang giữ chức Quyền Giám đốc Sở Tư pháp, đồng thời tiếp tục bổ sung các chức danh khác. Những ngày đó Sở Tư pháp gặp rất nhiều khó khăn về trụ sở làm việc, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc hầu như chưa có gì. Đến năm 1983, được bổ sung thêm biên chế, từ đó các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở được thành lập như: Phòng tổ chức đào tạo cán bộ, Phòng quản lý tổ chức tòa án, Phòng Tuyên truyền giáo dục pháp luật, Phòng nghiên cứu pháp luật. Các Phòng Tư pháp huyện, thị cũng lần lượt được thành lập theo quyết định số 539 ngày 06/9/1982 của UBND tỉnh Cao Bằng, theo đó mỗi phòng có 3-4 biên chế. Hệ thống các cơ quan tư pháp của tỉnh từng bước được kiện toàn.

         Thực hiện Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/01/1981, Thông tư số 08/TT 06/01/1982 và Thông tư số 463/TT ngày 21/6/1988 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Tư pháp được giao 9 nhiệm vụ với 12 biên chế để thực hiện các công việc như: Công tác quản lý văn bản pháp quy, Công tác quản lý về mặt tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện, thị xã, Quản lý công tác Luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch, Quản lý công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, Quản lý công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ pháp lý, Làm tư vấn cho UBND về các vấn đề pháp lý khi có yêu cầu, Công tác tổ chức cán bộ, Thực hiện và hướng dẫn quản lý lý lịch tư pháp, Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Tư pháp và UBND giao.  

          Đến năm 1993, thực hiện Nghị định số 38/CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp, và Thông tư liên tịch số 12/TTLB ngày 20/7/1993 trong đó xác định rõ hệ thống ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương có 4 cấp là Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp. Theo đó, Sở Tư pháp được giao 9 nhiệm vụ với 8 phòng, trung tâm trực thuộc thực giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân; Quản lý các Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về mặt tổ chức theo sự phân cấp của Bộ Tư pháp; Quản lý công tác thi hành án dân sự địa phương theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự; Quản lý tổ chức và hoạt động của các đoàn luật sư, các tổ chức tư vấn luật theo quy định của Bộ Tư pháp; Quản lý các hoạt động công chứng, giám định tư pháp theo quy định của Bộ Tư pháp; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện một số công tác hộ tịch thuộc thẩm quyền; Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn và ngắn hạn ở địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học; Bồi dưỡng kiến thức pháp lý và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp địa phương; Chỉ đạo và tổng kết hoạt động hoà giải trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

          Giai đoạn 2004 đến năm 2008 thực hiện Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và Nghị định số 13/2008/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 01/2009 Sở Tư pháp được giao thực hiện 26 nhiệm vụ với 10 đầu mối gồm có 02 tổ chức giúp việc, 05 Phòng nghiệp vụ và 03 đơn vị sự nghiệp.

          Từ khi Bộ Tư pháp được thành lập lại năm 1981 thì hệ thống ngành tư pháp đã được hình thành, Sở Tư pháp, các phòng Tư pháp cấp huyện, thành phố được thành lập cùng với các Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn đã tạo thành một hệ thống tổ chức chặt chẽ của ngành xuyên xuốt 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở. Bộ máy không ngừng được củng cố kiện toàn, vai trò, vị trí của ngành ngày càng được đề cao, Đảng, Nhà nước đã trao cho ngành Tư pháp quản lý nhiều nhiệm vụ quan trọng theo từng thời gian như:

Công tác quản lý văn bản pháp quy của UBND tỉnh, (QPPL) những năm đầu còn nhiều lúng túng đến nay đã khẳng định được vị thế của ngành, bảo đảm 100% văn bản được gửi đến thẩm định đều được thẩm định và có ý kiến trả lời bằng văn bản. Bên cạnh đó còn tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến góp ý váo các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương.

         Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với các đối tượng được phổ biến, đáp ứng được nhu cầu của người dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đang dần dần trở thành các chuẩn mực và định hướng giá trị mới, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

Thực hiện phương châm hướng về cơ sở, trong thời gian qua công tác PBGDPL, Hòa giải ở cơ sở, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị trường học đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

        Thực hiện sự phân cấp của Bộ Tư pháp về công tác quản lý Tòa án nhân dân cấp huyên, thị về mặt tổ chức từ năm 1982 - 2002 Sở tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tính đến thời điểm bàn giao về tổ chức bộ máy hệ thống toà án theo tinh thần Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2002 các toà án đều đã được sắp xếp, thành lập đủ cơ cấu bộ máy và bố trí đủ các chức danh lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định pháp luật. Cơ sở vật chất đã được xây mới hoặc được sửa chữa nâng cấp một cách cơ bản.

         Thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án sang cơ quan Tư pháp. Năm 1993, Sở Tư pháp nhận bàn giao công tác Thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân tỉnh. Sau gần 20 năm (1993 – 2009) quản lý, một trong những kết quả quan trọng đạt được của công tác thi hành án dân sự là đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp xã hội về thi hành án dân sự. Tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án dân sự đã có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, trình độ năng lực đáp ứng nhiệm vụ công tác, cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, điều mà trước đây chưa làm được. 

         Năm 1997, Phòng Công chứng nhà nước số 1 tỉnh Cao Bằng là đơn vị thuộc UBND tỉnh quản lý được chuyển giao cho Sở Tư pháp quản lý, cũng trong năm này theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp. Sau một năm, cũng đã thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cao Bằng trực thuộc Sở Tư pháp. Phòng Công chứng, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân có con dấu và tài khoản riêng theo quy định. Đến nay đội ngũ công chức, viên chức của 3 đơn vị sự nghiệp đã được củng cố, kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị tại địa phương.

     Năm 2013, thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, Sở Tư pháp đã tổ chức tiếp nhận việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và tổ chức biên chế làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Tư pháp.

          Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/ 2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh, Phòng Tư pháp huyện, thành phố, Sở Tư pháp Cao Bằng được giao 34 nhiệm vụ với 11 đầu mối gồm có 02 tổ chức giúp việc, 06 Phòng nghiệp vụ và 03 đơn vị sự nghiệp, trong đó có những nhiệm vụ mới như: kiểm soát thủ tục hành chínhxây dựng xã phường tiếp cận pháp luật, cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính…(tăng 8 nhiệm vụ so với Thông tư liên tịch số 01/2009)

          Trải qua quá trình, phấn đấu xây dựng, nhìn lại Ngành Tư pháp tỉnh nhà đã có những bước phát triển về mọi mặt, chức năng nhiệm vụ của ngành được nhà nước tin tưởng giao ngày càng tăng (Từ 10 nhiệm vụ theo NĐ 143/1981 lên 34 nhiệm vụ theo NĐ 24/2014). Đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố kiện toàn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (Từ 12 biên chế theo NĐ 143/1981 lên 81 biên chế theo NĐ 24/2014). Bộ máy tổ chức của Sở không ngừng được củng cố, kiện toàn phù hợp với từng nhiệm vụ ở mỗi thời kỳ.

         Năm 2019 thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/11/2018 của Tỉnh ủy Cao Bằng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo Nghị quyết số 18- NQ/TW và Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 18/4/2019 của UBND Cao Bằng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng. Theo đó, Sở Tư pháp đã sáp nhập 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ thành 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ, giảm 3 phòng so với trước đây. Cụ thể, giữ nguyên Văn phòng Sở; giải thể Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, chuyển chức năng nhiệm vụ về Thanh tra Sở, giao Thanh tra Sở thực hiện thêm chức năng, nhiệm vụ về công tác pháp chế và bồi thường nhà nước, gọi tên là Phòng Thanh tra - Pháp chế; giải thể Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, chuyển chức năng nhiệm vụ về Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, gọi tên là Phòng Nghiệp vụ 1; giải thể Phòng Bổ trợ tư pháp, chuyển chức năng nhiệm vụ về Phòng Hành chính tư pháp, gọi tên là Phòng Nghiệp vụ 2.

        Như vậy, hiện nay cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp gồm: Lãnh đạo Sở, Văn phòng, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Nghiệp vụ 1, Phòng Nghiệp vụ 2 và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở gồm: Phòng Công chứng số 1; Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản.

         Qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp Cao Bằng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, điều đó thể hiện sự kết tinh sức mạnh, trí tuệ tập thể và sự đoàn kết nhất trí cao của các đơn vị trong ngành, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ và chính quyền các cấp, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo ngành. Ghi nhận kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Tư pháp Việt Nam đã vinh dự được Đảng, nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương lao động...bên cạnh đó Ngành Tư pháp Cao Bằng cũng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng 02 huân chương lao động hạng III cho tập thể, cán bộ, công chức Sở Tư pháp; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân; Bộ Tư pháp tặng 10 cờ thi đua xuất sắc, 59 Bằng khen cho tập thể, 64 cá nhân; UBND tặng 02 cờ thi đua xuất sắc, 42 bằng khen cho tập thể, 45 cá nhân...