Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bộ trưởng Hà Hùng Cường báo cáo tại phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII
Lượt xem: 2569

       Sáng 22/10/2013, tại phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã báo cáo trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước 

       Sáng 22/10/2013, tại phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã báo cáo trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước về "Tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013".

       Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã báo cáo về những kết quả đạt; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên từng nhóm nhiệm vụ, từ đó đề xuất các giải pháp Chính phủ cần thực hiện trong thời gian tới và có một số kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối nhằm nâng cao hiệu quả công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, để triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo, điều hành để tổ chức thực hiện. Kết quả cho thấy công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh được nhận thức đầy đủ hơn; việc tổ chức triển khai thi hành đã có nhiều tiến bộ; việc gắn kết giữa công tác xây dựng với công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thi hành pháp luật bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực; việc bố trí kinh phí, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi hành luật, pháp lệnh được chú trọnghơn. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đã có chuyển biến, đã có thời điểm thực hiện cơ bản tốt. Quy trình xây dựng văn bản được thực hiện cơ bản tốt. Chất lượng văn bản đã được nâng lên một bước.

Tính đến ngày 15/10/2013, với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 73/131 văn bản (đạt 55,7%) quy định chi tiết 85/154 nội dung được giao. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành 25/69 văn bản (đạt 36,2%) quy định chi tiết 63/126 nội dung được giao. Như vậy, tổng số đã ban hành được 98/200 văn bản (đạt 49%) quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao theo luật, pháp lệnh. Số chưa được ban hành là 102/200 văn bản (chiếm 51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung được giao (58 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 44 của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ). Đối với 09 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành được 01/42 văn bản để quy định chi tiết 03/83 nội dung được giao.

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phát sinh do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế; góp phần phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn những tồn tại, hạn chế: (i) Việc triển khai thi hành một số luật, pháp lệnh thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức; việc bố trí nguồn nhân lực, kinh phí tổ chức thi hành luật, pháp lệnh chưa đầy đủ; (ii) Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, tình trạng nợ đọng văn bản lớn, ảnh hưởng đến hiệu lực của luật, pháp lệnh, trong một số trường hợp có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; (iii) Chất lượng văn bản chưa được như mong muốn, còn tình trạng để lọt nội dung không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi, nhất là trong thông tư, thông tư liên tịch, gây bức xúc trong dư luận.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, song có thể nhấn mạnh những nguyên nhân cơ bản sau: (i) việc một số luật yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết; (ii) Ý thức trách nhiệm, sự quyết liệt tập trung tổ chức thi hành luật, pháp lệnh ở một số ngành, lĩnh vực chưa cao. Kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức ban hành văn bản quy định chi tiết còn chưa nghiêm; việc xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai thi hành luật, pháp lệnh còn chưa được chú trọng, chưa đảm bảo sự gắn kết liên tục giữa xây dựng và thi hành pháp luật; (iii) việc phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng và thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chưa rõ ràng; sự phối kết hợp còn nhiều hạn chế, thường rất chậm, ý kiến thiếu nhất quán; thiếu cơ chế cụ thể để kiểm tra, giám sát ở từng bước, từng giai đoạn; (iv) một số Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa quan tâm đúng mức việc nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật, quan điểm, định hướng lớn của dự án luật, pháp lệnh quan trọng, phức tạp hoặc có nội dung khó, mới, nhạy cảm hoặc liên quan nhiều ngành, lĩnh vực để trình Chính phủ cho ý kiến trước khi soạn thảo. Do vậy, đã dẫn đến kéo dài thời gian soạn thảo, xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; (v) cuối cùng, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác xây dựng và thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế. Lực lượng cán bộ pháp chế còn mỏng, nhất là ở các sở chuyên môn cấp tỉnh, năng lực trình độ còn nhiều bất cập. Chưa có cơ chế đầu tư hợp lý kinh phí, phương tiện cho công tác tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Trên tinh thần quyết tâm tạo chuyển biến cơ bản, bền vững trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, trong đó có việc giải quyết cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp sau: (i) Tiếp tục xác định nhiệm vụ tổ chức thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; các Bộ, ngành, địa phương cần dành nhiều thời gian, có sự quyết liệt hơn trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; (ii) Chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết; chú trọng hơn đến việc xây dựng kế hoạch thi hành luật, pháp lệnh với lộ trình cụ thể, rõ ràng, nhất là ban hành các văn bản quy định chi tiết. Hàng tháng, công khai tình trạng ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ; kết quả công tác này là một chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, cơ quan ngang Bộ và người đứng đầu; (iii) Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương tăng cường các nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Chú ý hơn nữa việc lấy ý kiến của các đối tượng có quyền, lợi ích gắn liền với quy định pháp luật; (iv) Chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tốt việc tổng kết thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và năm 2004, từ đó đề xuất những vấn đề cần đổi mới nhằm hoàn thiện quy trình xây dựng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Đồng thời, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội (i) Ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (ii) Tăng cường hoạt động giám sát tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (iii) Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp ngay từ đầu giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo. Đề cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh (iv) Trong quá trình thẩm tra, xem xét thông qua dự án luật, pháp lệnh, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan trình xác định rõ, cụ thể hơn một số chính sách pháp luật liên quan đến xã hội hóa, thu hút ưu đãi nghề, không đưa vào dự thảo luật, pháp lệnh các quy định chưa rõ ràng, nhằm hạn chế tình trạng có nhiều cách hiểu, gây khó khăn cho quá trình phối hợp quy định chi tiết; xác định hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi hành; (v) Tăng định mức phân bổ kinh phí phù hợp cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (vi) Về lâu dài, đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) và các luật có liên quan theo hướng giao cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng về dự án, dự thảo luật, pháp lệnh cho đến khi được thông qua hay không được thông qua; giao Tòa án nhân dân tối cao thông qua công tác xét xử giám đốc thẩm, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật (án lệ). Ngoài ra, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn nữa với các cơ quan của Chính phủ trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành và các thông tư liên tịch có liên quan.

                                                                                                  Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

                                                                                                                          Nguồn: Bộ Tư pháp