Thực hiện Chương trình giám sát năm 2014, ngày 13 tháng 6 năm 2014, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Hạnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến giám sát về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2014 tại Sở Tư pháp.

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2014, ngày 13 tháng 6 năm 2014, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Hạnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến giám sát về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2014 tại Sở Tư pháp. Trước đó, Đoàn đã thực hiện giám sát trực tiếp tại xã Thanh Long (huyện Thông Nông) và xã Ca Thành (huyện Nguyên Bình).
Theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Nghị quyết 80/2011/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Cao Bằng có 70 xã thuộc 05 huyện nghèo (Hạ Lang, Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Bảo Lâm) và 70 xã, 67 thôn, bản đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg.
Qua 4 năm thực hiện chính sách, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện được 933 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 959 đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức hòa giải, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng…
Trung tâm đã cung cấp và lắp đặt được 79 Bảng thông tin Trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Nguyên Bình, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Thạch An, Bảo Lạc. Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, từ năm 2011 đến nay Trung tâm đã lắp đặt được 22 Bảng thông tin Trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, để tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý ở cơ sở, trong 3 năm vừa qua Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tổ chức được 11 lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho hơn 700 lượt đại biểu là cộng tác viên, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại 05 huyện nghèo.
Các hoạt động hỗ trợ pháp lý được triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời với nhiều hình thức, qua đó đã góp phần bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện nghèo, xã nghèo. Về cơ bản, nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được đáp ứng kịp thời, chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí từng bước được nâng lên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và tác động tích cực đến đời sống pháp luật của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn triển khai các chính sách trợ giúp pháp lý tại địa phương trong những năm qua cũng còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc đó là hoạt động của mạng lưới trợ giúp pháp lý ở cơ sở nhất là các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân chủ yếu là do các Câu lạc bộ đều đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí. Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý nói chung và văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã cơ bản được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành cũng như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, song trên thực tế sự phối hợp này vẫn còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, một số cơ quan, đơn vị, cấp ủy chính quyền cơ sở chưa nhận thức được vai trò của hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp nên chưa chủ động triển khai hoặc phối hợp với Trung tâm TGPL trong việc tổ chức triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở.
Kinh phí ngân sách địa phương cấp cho Trung tâm để triển thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế, không đủ để trang trải hoạt động. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập không có thu, vì vậy việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ phụ thuộc hoàn toàn vào kinh phí ngân sách cấp hàng năm. Tuy nhiên hiện nay định mức kinh phí cấp cho Trung tâm cũng giống như đối với các đơn vị sự nghiệp có thu khác mà chưa tính đến đặc thù của đơn vị....
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Đức Hạnh và các thành viên trong Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho nhân dân ở cơ sở, đồng thời ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của ngành để báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh và có ý kiến với các ngành chức năng giải quyết theo thẩm quyền.
Lã Trang