Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp TGPL trong hoạt động Tố tụng năm 2014
Ngày 26/01/2015, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Cao Bằng (Hội đồng PHLN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp năm 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan thành viên và Tổ giúp việc của Hội đồng PHLN bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 13...
Ngày 26/01/2015, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Cao Bằng (Hội đồng PHLN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp năm 2014 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan thành viên và Tổ giúp việc của Hội đồng PHLN bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Viện Kiểm sát Quân sự khu vực 13, Cơ quan điều tra hình sự khu vực 2 Quân khu I, đại diện Đoàn Luật sư, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Trại tạm giam công an tỉnh. Đồng chí Hứa Tân Hợi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Cao Bằng chủ trì Hội nghị.
Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện đồng bộ các hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 11/TTLT. Nhìn chung trong năm vừa qua, Hội đồng PHLN đã duy trì nề nếp hoạt động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng về hoạt động trợ giúp pháp lý đã được nâng lên một bước, các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã chủ động hơn trong việc giải thích cho các đối tượng về quyền được trợ giúp pháp lý cũng như hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục và chuyển đơn đến Trung tâm trợ giúp pháp lý để yêu cầu trợ giúp pháp lý kịp thời, đúng quy định.
Trong năm 2014, các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã cấp 17 Giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 19 đối tượng thuộc diện được TGPL, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên của Trung tâm đã được nâng lên, đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo và các đương sự theo quy định của pháp luật, hạn chế kháng cáo và những khiếu kiện vượt cấp. Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - cộng tác viên của Trung tâm đã góp phần bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đánh giá đúng bản chất của vụ án và hành vi phạm tội của bị can, bị cáo để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đặc biệt có vụ việc nhờ có sự tham gia tích cực của Trợ giúp viên đã hòa giải thành tại Tòa án (03 vụ dân sự tại huyện Hạ Lang và Thạch An).
Cho đến nay, 100% các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh đã được niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định của Thông tư liên tịch số 11/TTLT, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý.
Để đánh giá khách quan tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 11/TTLT tại địa phương, trong năm 2014, Hội đồng PHLN đã tiến hành kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện Thạch An và Hà Quảng. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn các đơn vị đã tổ chức quán triệt nội dung Thông tư liên tịch số 11/TTLT tới đội ngũ cán bộ làm công tác tiến hành tố tụng tại đơn vị, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp tốt với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trong thực hiện các hoạt động phối hợp theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tỷ lệ vụ việc được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tuy đã có xu hướng tăng dần về số lượng nhưng vẫn còn thấp so với tổng số vụ việc được thụ lý và đưa ra xét xử hàng năm ở các cơ quan tiến hành tố tụng, việc hướng dẫn về hoạt động trợ giúp pháp lý tại một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự hiệu quả do vẫn còn một số cán bộ làm công tác tiến hành tố tụng nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý và vai trò của công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng...

Đồng chí Hứa Tân Hợi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu kết luận hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thời gian tới như tăng cường công tác truyền thông về phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, chú trọng lồng ghép truyền thông về trợ giúp pháp lý với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật khác, tổ chức tập huấn về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 11/TTLT cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thư ký tòa án công tác tại các cơ quan tiến hành tố tụng trên toàn tỉnh và tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp việc thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại một số cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện Thông tư số 11/TTLT...
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng, Đồng chí Hứa Tân Hợi đề nghị các thành viên là cơ quan tiến hành tố tụng cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành trong thực hiện các hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý theo tinh thần Thông tư số 11/TTLT, đặc biệt là nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiến hành tố tụng tại các cơ quan, coi đây là nhiệm vụ chuyên môn nhưng cũng đồng thời là đạo đức nghề nghiệp, phấn đấu 100% các đối tượng được trợ giúp pháp lý đều được giải thích, hướng dẫn về quyền được trợ giúp pháp lý nhằm góp phần đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật./.
Lã Trang