Một số sai sót thường gặp trong xử phạt vi phạm hành chính(13/12/2018)
Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, Sở Tư pháp Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác liên ngành để kiểm tra tỉnh hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực
Trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác xử lý vi phạm hành chính tại địa phương, Sở Tư pháp Cao Bằng đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác liên ngành để kiểm tra tỉnh hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực như: quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; lĩnh vực giao thông đường bộ; hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng...
Qua kết quả kiểm tra tại một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính tại một số đơn vị cho thấy về cơ bản việc lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền pháp luật quy định. Tuy nhiên, có một số sai sót thường gặp phải trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính tại các đơn vị, xin nêu ra đây để cùng tham khảo, cụ thể:
Sai sót trong lập biên bản vi phạm hành chính
- Không điền đầy đủ thông tin trong biểu mẫu (một số đơn vị có mẫu biên bản in sẵn) của biên bản như: thời gian hẹn đối tượng vi phạm hành chính đến để giải quyết, địa điểm đến giải quyết vụ việc, không ghi thời gian kết thúc việc lập biên bản...
- Đối với vụ việc vi phạm hành chính người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm, cố tình trốn tránh không ký vào biên bản, nhưng khi lập biên bản lại thiếu chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc thiếu chữ ký của hai người chứng kiến.
Điều này không phù hợp với quy định tại Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sai sót trong việc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Có văn bản giao quyền của cấp trưởng cho cấp phó nhưng không ghi số, ngày, tháng, năm của văn bản giao quyền trong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Điều này chưa đúng với quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Ghi không đúng về thời hạn thi hành quyết định xử phạt VPHC của cá nhân vi phạm, cụ thể: một số quyết định ghi thời hạn thi hành là 03 ngày, 05 ngày hoặc 07 ngày, theo quy định tại Điều 68, Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt VPHC.
- Không điền đầy đủ các thông tin trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính: như thời hạn thi hành, nơi nộp tiền phạt, nơi thi hành quyết định...không phù hợp với quy định tại Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sai sót trong lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
Không thực hiện đánh bút lục đối với hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Điều này không đúng với quy định tại Điều 57 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, có thể trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt cần tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, những sai sót như đã nêu trên thường chúng ta nghĩ là sai sót nhỏ, không nghiêm trọng, không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng trong thời gian tới, nếu không được khắc phục và chấn chỉnh kịp thời thì khi có khiếu nại, khởi kiện của cá nhân, tổ chức có liên quan đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền xử phạt thì việc giải quyết sẽ rất phức tạp.
Hoàng Nhã