Đến với Tư pháp Cao Bằng trong những ngày đầu tháng 4, nơi cách đây hơn mười năm trước, tôi đã từng sống và làm việc. Vẫn ngôi nhà ấy, không gian ấy, nhưng được chải chuốt gọn gàng, sạch sẽ, quang đãng hơn, mọi thứ được bài trí gọn gàng, ngăn nắp hơn. Ngồi bên ấm trà ngon, trong phòng Giám đốc Nông Thanh Khoa, cùng mấy anh em, người cũ, người mới cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về những ngày đầu khi mới tái lập ngành ở tỉnh nhà.
Đồng chí Nguyễn Hồng Quang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cao Bằng
Đến với Tư pháp Cao Bằng trong những ngày đầu tháng 4, nơi cách đây hơn mười năm trước, tôi đã từng sống và làm việc. Vẫn ngôi nhà ấy, không gian ấy, nhưng được chải chuốt gọn gàng, sạch sẽ, quang đãng hơn, mọi thứ được bài trí gọn gàng, ngăn nắp hơn.
Ngồi bên ấm trà ngon, trong phòng Giám đốc Nông Thanh Khoa, cùng mấy anh em, người cũ, người mới cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về những ngày đầu khi mới tái lập ngành ở tỉnh nhà.
Hồi ấy, sau chiến tranh biên giới ở phía Bắc, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Cao Bằng nói riêng, cơ sở vật chất bị tàn phá do chiến tranh để lại. Khi tái lập ngành năm 1982, đồng chí Nông Ngọc Đạm phó Chánh án Tòa án tỉnh vừa đi học bổ túc văn hóa về, được điều sang làm Giám đốc Sở, đồng chí Đoàn Ngọc Dũng ở Ban Pháp chế Ủy ban nhân dân tỉnh được điều sang làm Phó Giám đốc Sở. Song cơ sở vật chất và con người gần như là con số không. Trụ sở lúc đầu là ở tạm nhà dân (nhà vắng chủ) sau đó xây dựng được mấy gian nhà vách đất, mái lợp giấy dầu. Về biên chế, con người được tuyển dần từ các ngành khác sang, như ngành giáo dục, bộ đội chuyển ngành... mãi đến những năm sau đó, mới tuyển dụng được một số sinh viên vài trường, được đào tạo chính quy trong ngành luật, nhưng chỉ một thời gian sau đó, họ lại xin chuyển sang ngành khác với nhiều lý do khác nhau. Số cán bộ đó, nay có đồng chí là Phó Chủ tịch tỉnh, có đồng chí là Thẩm phán, Kiểm sát viên cấp tỉnh, có đồng chí là luật sư...
Trước tình thiếu hụt về nguồn cán bộ như vậy, Sở đã phải cho một số cán bộ đi đào tạo, vừa đề nghị cấp có thẩm quyền cho mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ mà giảng viên là các cán bộ có kinh nghiệm của các ngành nội chính như Tòa án, Kiểm sát, Công an. Mãi tới sau những năm 1990, về cơ sở vật chất và biên chế mới tạm ổn, song tất cả tổng biên chế, kể cả phòng thi hành án dân sự mới chỉ có hơn 30 người. Riêng phòng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chỉ có 2 người, 1 trưởng phòng và 1 chuyên viên, gọi là cán bộ làm công tác tuyên truyền. Song đã có ai học qua công tác báo chí tuyên truyền đâu, trong khi đó, khối lượng công việc thì nhiều, vừa giúp lãnh đạo làm công tác thường trực Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật của tỉnh, vừa phải phối hợp với Báo Cao Bằng để xây dựng đề án và cho xuất bản “Bản tin Tư pháp Cao Bằng” bản tin đầu tiên của ngành được phát hành.
Khi Bộ luật Dân sự năm 1995 ra đời, theo kế hoạch của Bộ Tư pháp và của Hội đồng phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật của tỉnh, phòng tuyên truyền lại phải giúp lãnh đạo xây dựng kế hoạch phát động cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự ở địa phương. Nói đến cuộc thi, quả là một kỳ tích, bởi vì trước đó chưa có cuộc thi nào rầm rộ như vậy.
Ngay từ khi phát động cuộc thi, các ngành, các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, các trường học đã vào cuộc và tạo điều kiện để mọi người tham gia cuộc thi. Nhiều đơn vị cơ quan còn giao chỉ tiêu bài dự thi, các phương tiện thông tin, truyền thông ở trung ương và địa phương liên tục đưa tin, gợi ý trả lời các câu hỏi và giới thiệu các tư liệu cần thiết để người dự thi có điều kiện nghiên cứu, tham khảo. Kết thức cuộc thi Ban giám khảo cấp tỉnh đã nhận được hơn 10 ngàn bài dự thi. Đáng được chú ý là thành phần dự thi có cả người già và trẻ em. Trong đó người cao tuổi nhất là 67 tuổi và người ít tuổi nhất là 14 tuổi. Qua chấm sơ khảo và gửi bài thi về cấp Trung ương chấm phúc khảo, số bài đạt giải Trung ương chưa nhiều song phải nói rằng đây là một hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật hiệu quả nhất, một cuộc thi tìm hiểu pháp luật thành công nhất thời kỳ đó ở địa phương.
Ngoài công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, các lĩnh vực công tác khác, với phương châm là hướng về cơ sở, đi sát cơ sở. Trên chiếc xe U.Wat cà tàng rong ruổi khắp các huyện, thị, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chưa có tư pháp xã chuyên trách, chưa được dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, để cùng với các phòng tư pháp huyện vừa kiểm tra, vừa hướng dẫn nghiệp vụ, trong các vụ việc cụ thể, như sử dụng và khai thác tủ sách pháp luật ở cơ sở, đăng ký và quản lý hộ tịch, công tác hòa giải ở cơ sở....
Nhìn lại những chặng đường đã qua, với cơ sở vật chất còn thiếu thốn và nghèo nàn, trình độ cán cộ từ lãnh đạo đến nhân viên còn mang tính chất chắp vá, thậm chí có trường hợp còn chưa học hết cấp II phổ thông, nhất là trong những thời kỳ đầu mới tái lập. Song với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình với công việc, vừa học vừa làm, đưa con thuyền ngành Tư pháp vượt qua những khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao quả là một kỳ công lớn.
Còn hiện nay, với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, trẻ, khỏe, nhiệt huyết với ngành, đành rằng trụ sở cơ quan còn trật hẹp, mức thu nhập của cán bộ trong ngành còn quá khiêm tốn, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Song với tinh thần đoàn kết nhất trí cao, sự đổi mới trong điều hành và trong mọi hoạt động công tác, tin chắc rằng ngành Tư pháp tỉnh nhà sẽ hoàn thành và hoàn thành suất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó ■
Nguyễn Hồng Quang (nguyên Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cao Bằng)