Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
07 Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Lượt xem: 1857
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 20/10/2020, diễn ra trong thời gian 18 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. 

Tại kỳ họp đã thông qua 07 Luật: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Cư trú; Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

1. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm có 16 chương với 171 điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, khoản 3 Điều 29 (Đánh giá sơ bộ tác động môi trường) của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2021. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, khoản 3 Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 7 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

2. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) gồm 08 chương và 74 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quy định các chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

3. Luật Cư trú được thông qua gồm 07 chương với 23 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021,  Luật Cư trú năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

4. Luật Biên phòng Việt Nam gồm 06 chương với 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới; hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với pháp luật quốc tế. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022,  Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

5. Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 07 chương với 52 điều, quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Luật này được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Luật Thỏa thuận quốc tế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, thay thế cho Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. 

6.  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vào sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, tăng mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực, thẩm quyền xử phạt. Ngoài ra, Luật này đã bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, kiểm toán nhà nước, đối ngoại, tín ngưỡng… Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

7.  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Luật gồm 02 điều, nhằm sửa đổi 15 điều và bãi bỏ 10 điều của Luật hiện hành. Luật bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2021./.

 

Ngọc Ánh

   Phòng Nghiệp vụ 1

Tin khác
1 2 3 4 5  ...