Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT
Lượt xem: 1551
Sáng ngày 24/11, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ- chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Trung Thảo, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật, giai đoạn 2016 - 2020. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh, Chính phủ đã xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành  92.799 văn bản. Số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong giai đoạn 2016-2020 đều giảm so với giai đoạn 2011-2015, thể hiện định hướng hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, hệ thống pháp luật chưa thực sự đồng bộ, tính thống nhất chưa cao, vẫn còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành; tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, thông qua các dự án, dự thảo văn bản, trước hết là các dự án luật, pháp lệnh. Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo ngày càng quyết liệt hơn trong công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc về chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; các chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ ở các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng pháp  luật. Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu rà soát, kiểm điểm nhắc nhở các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật…

Hội nghị đã nghe tham luận của các cơ quan của Quốc hội, ban, bộ, ngành trung ương, cơ quan, đơn vị về các nội dung: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ... 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, biểu dương những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh thể chế là then chốt, là khâu đột phá quyết định hiệu quả nền kinh tế - xã hội, do vậy cần đổi mới tư duy, xây dựng chính sách pháp luật từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật; bố trí nguồn lực thỏa đáng; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật trong tình hình mới./.

Thùy Linh

Tin khác
1 2 3 4 5  ...