Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP
Lượt xem: 1303
Ngày 15/7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020 và thay thế Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.  Nghị định số 82/2020/NĐ-CP gồm 9 chương, 91 điều với một số điểm mới như sau:

         1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

           Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực cụ thể Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm một số hoạt động mới như: lĩnh vực bổ trợ tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải thương mại, thừa phát lại; lĩnh vực hành chính tư pháp bổ sung trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

          2. Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như:

          - Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: Hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.

          - Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: Thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.

          - Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.

          Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

          3. Về các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có một số quy định mới như sau:

          Một là, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư:

          - Bổ sung các hình thức phạt bổ sung:

          + Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 (tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đăng ký tập sự hành nghề luật sư…);

          + Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 3, điểm a khoản 5 Điều 6 (thành lập hoặc tham gia từ 02 tổ chức hành nghề luật sư trở lên, hành nghề luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định…);

            + Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, các điểm c, d và e khoản 6, khoản 7 Điều 6 (cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư; có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng…).

          + Tịch thu tang vật là chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của luật sư nước ngoài, giấy chứng nhận về việc tham gia tố tụng, văn bản thông báo người bào chữa bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

          - Về biện pháp khắc phục hậu quả:

          Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định mới 02 biện pháp là kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

          Hai là, hành vi vi phạm quy định về hoạt động tư vấn pháp luật:

          Nghị định số 82/2020/NĐ-CP bổ sung mới 03 hành vi và sửa đổi, bổ sung 06 hành vi. Đồng thời, quy định các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng thẻ tư vấn viên pháp luật, chứng chỉ hành nghề luật sư từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm; tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

          Ba là, hành vi vi phạm trong hoạt động hòa giải thương mại:

           Nghị định số 82/2020/NĐ-CP có 03 điều quy định về hành vi vi phạm hành chính,  hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động hòa giải thương mại: gồm hành vi vi phạm quy định về việc thành lập, đăng ký hoạt động trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh trung tâm hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Điều 28); hành vi vi phạm về hoạt động của trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh của trung tâm hòa giải thương mại; chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Điều 29) và hành vi vi phạm quy định về hoạt động của hòa giải viên thương mại (Điều 30).

          Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định 02 hình thức phạt bổ sung gồm đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 3 Điều 29; tịch thu tang vật là giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 29. Đồng thời, quy định các biện pháp khắc phục hậu quả gồm kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

          Bốn là, hành vi vi phạm trong hoạt động thừa phát lại:

          Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính,  hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thừa phát lại (từ Điều 31 đến Điều 33) gồm 04 nhóm hành vi vi phạm về hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, đăng ký hành nghề thừa phát lại; hồ sơ đề nghị thành lập, chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động văn phòng thừa phát lại (Điều 31); hành vi vi phạm quy định về hành nghề thừa phát lại (Điều 32); hành vi vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng thừa phát lại (Điều 33).

          Năm là, hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng:

          Nghị định số 82/2020/NĐ-CP đã bổ sung 62 hành vi mới; sửa đổi, bổ sung đối với 37 hành vi; quy định các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng, từ 03 tháng đến 06 tháng và từ 06 tháng đến 09 tháng; tịch thu tang vật là quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc thẻ công chứng viên bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

          Sáu là, hành vi vi phạm trong hoạt động bồi thường nhà nước:

          Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính,  hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động bồi thường nhà nước (Điều 56, Điều 57) gồm 02 nhóm hành vi vi phạm về quy định về yêu cầu bồi thường; giải quyết yêu cầu bồi thường và hành vi vi phạm quy định về hoàn trả. Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm ./.

          Lã Trang (tổng hợp)

Tin khác
1 2 3 4 5  ...