Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NHỮNG ĐIỂM MỚI CƠ BẢN TRONG LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2018
Lượt xem: 6472
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Luật gồm 10 chương, 96 điều. So với Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012 - Sau đây gọi tắt là Luật PCTN năm 2005) thì Luật PCTN năm 2018 có nhiều điểm mới, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cụ thể:

1. Luật PCTN năm 2018  bổ sung các hành vi tham nhũng, mở rộng PCTN sang khu vực tư nhân.

Luật PCTN năm 2018 giữ nguyên 12 hành vi được coi là hành vi tham nhũng đã được quy định tại Điều 3 Luật PCTN năm 2005 (Luật PCTN 2018 quy định tại Khoản 1 Điều 2) và bổ sung thêm hành vi “ thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” (quy định tại điểm l khoản 1 Điều 2 Luật PCTN năm 2018).

Ngoài việc quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước đã bổ sung, mở rộng sang khu vực tư nhân. Khoản 2, Điều 2 của Luật đã quy định: Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Luật dành riêng Chương VI quy định về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Luật quy định doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong đơn vị mình; người nào phát hiện hành vi tham nhũng trong các đơn vị này thì có trách nhiệm phản ánh, tố cáo theo quy định.

Để quản lý chặt chẽ người có chức vụ, quyền hạn đối với doanh nghiệp. Điều 20 của Luật PCTN năm 2018 đã quy định người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ. Đồng thời cũng không được để người thân kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước; không được để người thân giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu...Luật quy định việc xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Luật quy định Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình. Nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, cơ quan tiến hành thanh tra có trách nhiệm xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định.

2. Luật đã bổ sung, mở rộng nội dung của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đổi mới cơ bản về kỹ thuật trình bày các lĩnh vực cần công khai, minh bạch, bổ sung thêm hình thức công khai

Kế thừa Luật PCTN năm 2005, ,Luật PCTN năm 2018 ,dành Chương II để quy định và có 6 nhóm biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đó là: Công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; việc chuyển đổi vị trí công tác, cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt và kiểm soát tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, Luật năm 2018 đã bổ sung, mở rộng thêm phạm vi công khai, minh bạch. Theo đó công khai, minh bạch cả về tổ chức. Luật PCTN năm 2018 không quy định theo hướng liệt kê lĩnh vực cần công khai, minh bạch mà quy định chung về nội dung cần công khai, minh bạch. Điều 10 Luật PCTN năm 2018 quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung cụ thể:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và công dân;

- Việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; Công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn;

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung không thuộc trường hợp quy định  nêu trên mà theo quy định của pháp luật phải công khai, minh bạch.

 Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác ngoài công khai, minh bạch nội dung trên, còn phải công khai, minh bạch về thủ tục hành chính.

Ngoài ra Luật PCTN năm 2018 còn bổ sung thêm hình thức công khai, minh bạch bằng hình thức tổ chức họp báo.

3. Luật đã tăng tính minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập

 Luật PCTN năm 2018 mở rộng đối tượng, bổ sung thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai, quy định rõ, cụ thể hơn thời điểm kê khai và việc công khai tài sản, thu nhập. Quy định cụ thể các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập, gồm: Cán bộ, công chức; Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, Luật PCTN năm 2018 yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản mà giải trình không hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm và có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.

Luật PCTN năm 2018 quy định việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu áp dụng đối với các đối tượng phải kê khai, gồm: cán bộ, công chức; Sĩ quan; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên; việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động tài sản. Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công...

4. Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN.

 Cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn. Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống về PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. 

Đỗ Ngọc Mẫn

Tin khác
1 2 3 4 5  ...