Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY NĂM 2021
Lượt xem: 1022
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm về ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính… mới được ban hành, do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Xuất phát từ thực tiễn như trên, ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH 14.

So với Luật hiện hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một số điểm mới chủ yếu như sau:

          1. Về bố cục

           Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có 8 chương với 55 điều, giảm 1 điều so với Luật năm 2000 và tất cả các điều luật đều được bổ sung tiêu đề.

          Luật năm 2021 đã bổ sung Chương IV. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; bỏ chương quy định Khen thưởng và xử lý vi phạm tại Luật năm 2000.

          2. Về phạm vi điều chỉnh

          Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung và làm rõ quy định: quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

          3. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy

          Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định cụ thể nhiều chính sách về phòng, chống ma túy tại Điều 3. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy (gồm 10 khoản) trong đó có một số nội dung như:

          - Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.

          - Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.

          - Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy.

          4. Nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy

          Luật phòng, chống ma túy 2000 chỉ đề cập đến  Kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện, phòng, chống tái nghiện ma túy. Luật năm 2021 đã có quy định chung (Điều 4) về nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy gồm:  Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma túy và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

          5. Các hành vi bị nghiêm cấm

          Luật năm 2021 đã bổ sung một số hành vi mới cho phù hợp với thực tiễn như: 

          - Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy;

          - Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

          - Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

          - Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuộc gây nghiện hoặc thuộc hướng thần trái quy định của pháp luật.

          - Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

          - Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

          - Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

          6. Trách nhiệm phòng, chống ma túy

          Cơ bản Luật 2021 kế thừa các quy định của Luật năm 2000, tuy nhiên đã gộp các nội dung vào từng nhóm như trách nhiệm của gia đình, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước; trách nhiệm của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cơ quan báo chí; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác

          7. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy

          Luật Phòng, chống ma túy năm 2021  quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy gồm các cơ quan sau: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan.

          Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm xử lý của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cụ thể: Trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.

          8. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy

          Đây là quy định mới tại Chương IV của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 so với Luật năm 2000 sửa đổi, bổ sung 2008. Chương này gồm 05 Điều cụ thể như sau:

          Điều 22 quy định về xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể gồm: các trường hợp xét nghiệm; cơ quan có thẩm quyền xét nghiệm chất ma túy.

          Điều 23 quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, gồm các quy định về thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (là 01 năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định quản lý); nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa phương.

          Điều 24 quy định về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy.

          Điều 25 quy định về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

          Điều 26 quy định về việc lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy: quy định công an xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy tại địa phương.

          9. Về cai nghiện ma túy

          - Biện pháp cai nghiện ma túy  

          Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 kế thừa Luật năm 2000 quy định 02 biện pháp cai nghiện ma túy gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện; cai nghiện ma túy bắt buộc.

          Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy; biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

          -  Quy trình cai nghiện ma túy 

          Luật năm 2021 đã bổ sung quy định về quy trình cai nghiện ma túy gồm 05 giai đoạn: (1) Tiếp nhận, phân loại; (2) Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; (3) Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; (4) Lao động trị liệu, học nghề; (5) Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

          Việc cai nghiện ma túy bắt buộc phải đảm bảo đầy đủ 05 giai đoạn; việc cai nghiện ma túy tự nguyện phải hoàn thành đủ 03 giai đoạn (1), (2); (3).

          Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.

Lã Trang

Tin khác
1 2 3 4 5  ...