Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
GIỚI THIỆU NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019
Lượt xem: 1612

Ngày 20 tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14. Bộ luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, Bộ luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, về chế định hợp đồng lao động:

Một là, loại hợp đồng lao động (HĐLĐ): Gồm có 2 loại: HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ có thời hạn không quá 36 tháng (bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).

Hai là, phương thức mới giao kết HĐLĐ: HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Ba là, Phụ lục HĐLĐ: Phụ lục HĐLĐ không được sửa đổi thời hạn của HĐLĐ.

Bốn là, về thẩm quyền giao kết HĐLĐ: Quy định rõ trong Bộ luật về các chủ thể giao kết HĐLĐ bên phía người lao động(NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ); bổ sung nguyên tắc người được ủy quyền giao kết HĐLĐ không được ủy quyền lại cho người khác giao kết HĐLĐ.

Năm là, về thử việc: Hai bên có thể lựa chọn linh hoạt thử việc là một nội dung trong HĐLĐ hoặc ký hợp đồng thử việc riêng; trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường. Bổ sung quy định thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp.

Sáu là, về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ

- NLĐ chỉ cần thông báo trước cho NSDLĐ một khoảng thời gian theo luật định (bỏ quy định về việc phải có 1 trong các lý do được liệt kê trong Bộ luật).

- Thời hạn báo trước là 45 ngày/30 ngày/3 ngày, tùy loại HĐLĐ đã giao kết; đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ; quy định 7 trường hợp không cần thông báo trước.

Bảy là, về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ

- Bổ sung thêm 3 trường hợp: (1) NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu trừ trường hợp có thỏa thuận khác; (2) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; (3) NLĐ cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động.

- Thời hạn báo trước: 45 ngày/30 ngày/3 ngày tùy loại HĐLĐ; đối với một số ngành nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước theo quy định của Chính phủ; quy định 2 trường hợp không phải báo trước.

Tám là, trách nhiệm khi chấm dứt HĐLĐ:

- Tăng thêm thời gian từ 7 ngày lên 14 ngày làm việc để hai bên NLĐ và NSDLĐ thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi mỗi bên; trường hợp đặc biệt vẫn giữ nguyên không quá 30 ngày.

- Quy định bổ sung trách nhiệm của NSDLĐ hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH của NLĐ, cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu và trả mọi chi phí sao gửi tài liệu.

Chín là, tuyên bố HĐLĐ vô hiệu: Bỏ thẩm quyền của Thanh tra lao động trong việc tuyên bố Hợp đồng lao động vô hiệu. Theo đó, chỉ còn duy nhất Tòa án nhân dân mới có thẩm quyền tuyên bố Hợp đồng lao động vô hiệu.

Thứ hai, về chế định thời giờ làm việc - thời giờ nghỉ ngơi

- Nghỉ lễ tết: Bổ sung thêm 01 ngày nghỉ lễ liền kề trước hoặc sau ngày Quốc khánh 02/9, tùy điều kiện thực tế và do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Về thời giờ làm thêm

+ Nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng.

+ Quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm

- Nghỉ trong giờ làm việc: 

+ NLĐ làm việc theo thời giờ làm việc bình thường (quy định tại Điều 105 của Bộ luật) từ 6 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc vào ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

+ Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc.

Thứ ba, chế định kỷ luật lao động - trách nhiệm vật chất

- Sửa đổi căn cứ để NSDLĐ xem xét, áp dụng kỷ luật lao động không chỉ là nội quy lao động mà còn bao gồm các quy định của pháp luật về lao động, thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

- Nội dung của Nội quy lao động: Bổ sung thêm: (1) phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (2) người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

- Xử lỷ kỷ luật lao động: Hành vi vi phạm phải được quy định trong Nội quy lao động, hợp đồng lao động hoặc pháp luật lao động (bổ sung căn cứ để NSDLĐ xem xét, áp dụng kỷ luật lao động).

- Hình thức xử lỷ kỷ luật sa thải: Riêng với các hành vi của NLĐ gồm trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc, thì NSDNLĐ có thể áp dụng sa thải ngay (mà không cần phải được quy định trong Nội quy lao động).

Thứ tư, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Đồng thời, quy định đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ năm, chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và thưởng

Đối với chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.

Đối với chế độ thưởng thì người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Thứ sáu, chế định lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

- Hoàn thiện các quy định về bảo vệ thai sản, bảo đảm và tạo điều kiện để NLĐ nữ thực hiện quyền của mình; hạn chế tối đa các quy định cấm.

+ Quy định danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con của NLĐ (thay thế cho danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ), để trên cơ sở đó, NLĐ cân nhắc có thực hiện hay không thực hiện công việc đó; đồng thời quy định NSDLĐ phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để NLĐ lựa chọn và phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

+ NSDLĐ có thể sử dụng NLĐ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu được người lao động đồng ỷ.

+ Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và các quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

+ Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Ngoài ra, BLLĐ 2019 còn bổ sung thêm quy định: Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Bảo đảm bình đẳng giới: Quy định chính sách của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Sửa đổi một số quy định áp dụng chung cho cả lao động nam và lao động nữ, như: NSDLĐ có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho NLĐ.

- Ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới: Áp dụng với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thứ bảy, quy định về tuổi nghỉ hưu

Bộ luật Lao động năm2019 tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nam và nữ cao hơn so với Bộ luật Lao động năm2012, cụ thể: tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 05 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nhìn chung, Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều điểm sửa đổi và bổ sung nhiều nội dung mới theo hướng bảo vệ lợi ích cho người lao động nhiều hơn so với Bộ luật Lao động năm 2012. Việc sửa đổi này đã khắc phục những hạn chế của Bộ luật Lao động năm2012 về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, lao động nữ, tuổi nghỉ hưu… đáp ứng sự phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ của thị trường lao động, yêu cầu nâng cao năng suất lao động; tạo khung pháp lý thông thoáng, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.

Thùy Linh

Phòng Xây dựng văn bản và

Phố biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp