Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 74 NĂM NGÀNH TƯ PHÁP TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lượt xem: 6731
Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới  việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và thành lập Nội các Thống nhất quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp, theo đó ngày 28/8/1945 chính thức được công nhận là ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam.

Trải qua những thăng trầm lịch sử của 74 năm xây dựng và phát triển với chức năng xuyên suốt là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật; quản lý nhà nước về công tác pháp luật; lĩnh vực hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp, đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Việc hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành Tư pháp theo lộ trình, định hướng trong các chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển Ngành được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Ngành về cơ bản đều đã có Luật điều chỉnh; Ngành Tư pháp đã huy động khá hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội bằng việc thực hiện nhất quán và kiên trì chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp với những bước đi thận trọng, lộ trình phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc và ngày càng ổn định của nghề luật sư, công chứng, phát triển nghề đấu giá, bước đầu phát triển thừa phát lại, quản tài viên... Qua đó, góp phần đảm bảo lợi ích hài hoà của cả ba khu vực: kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội, bao gồm nhiều đối tượng hưởng chính sách, người nghèo, người dễ bị tổn thương, người yếu thế được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước.

Đặc biệt, ngành Tư pháp đã và đang từng bước nâng tầm nhận thức lí luận, đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về pháp luật, tư pháp phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; xứng đáng là một cơ quan trọng yếu của Đảng, của Chính quyền trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước trong thời thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

     

Đ/c Lê Thành Long, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp thăm

và làm việc tại Sở Tư pháp Cao Bằng.

    Cùng với sự phát triển và trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam, nhìn lại chặng đường hơn 37 năm xây dựng và phát triển của Sở Tư pháp Cao Bằng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp cùng với những nhiệt huyết, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, ngành Tư pháp Cao Bằng đã và đang không ngừng phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong từng giai đoạn khác nhau và có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Vị thế, vai trò của ngành Tư pháp trong những năm qua đã được khẳng định trên nhiều mặt, trong đó phải kể đến là kết quả của quá trình phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ Tư pháp “vừa hồng, vừa chuyên”. Đến nay, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở đã được quan tâm, kiện toàn đồng bộ. Sở Tư pháp có 02 phòng nghiệp vụ, 02 tổ chức giúp việc, 03 đơn vị sự nghiệp và 03 chi nhánh trợ giúp pháp lý với tổng biên chế có mặt 68 người, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong đó trình độ thạc sỹ Luật (03 người) chiếm 4,4%, Đại học Luật (46 người) chiếm 67,6%, Đại học khác (11 người) chiếm 16,2%, Cao đẳng và trung cấp (văn thư, kế toán, hợp đồng 68) 11,8%; cấp huyện có 36 công chức tư pháp; cấp xã có 309 công chức tư pháp - hộ tịch.

                
                                                  Đ/c Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ Tịch UBND  tỉnh,
                                chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Sở Tư pháp.

Các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp từ 09 nhóm nhiệm vụ năm 1982 đến nay nâng lên 34 nhiệm vụ, đã không ngừng được đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách Tư pháp. Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật có chiều sâu, đi vào thực chất, tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thẩm định, góp ý có chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, qua đó đã kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi trên thực tiễn khi áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công khai, cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, góp phần vào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, ngành Tư pháp đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật, dài hạn, hàng năm với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Thông qua hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hòa giải cơ sở, các văn bản pháp luật đã được kịp thời truyền tải đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, giảm thiểu được những tranh chấp, vi phạm trong đời sống xã hội; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng Nông thôn mới.
                               

                                   

                        Tập thể lãnh đạo,cán bộ, công chức,viên chức, người lao động Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng. 

 

Thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, trong đó cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, toàn ngành đã thực hiện rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà, tạo thông thoáng trong hoạt động đăng ký hộ tịch, cấp các giấy tờ về quốc tịch, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho công dân, tổ chức khi có yêu cầu. Hoạt động công chứng, chứng thực, đấu giá tài sản được đổi mới, nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện xã hội hóa giúp cho các giao dịch của tổ chức, công dân được thuận lợi, phòng ngừa các tranh chấp, vi phạm trong các giao dịch, phù hợp với mục tiêu phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra; đồng thời góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế kinh tế xã hội của tỉnh nhà, công tác luật sư, giám định tư pháp đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của nhân dân và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp của tỉnh. Trước thực tiễn khó khăn, thách thức tỉnh chỉ có một Văn phòng Luật sư và 01 luật sư, bằng sự năng động, sáng tạo, Sở Tư pháp đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành và thực hiện thành công Chính sách hỗ trợ phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, đến nay đội ngũ luật sư đã tăng lên 12 luật sư hoạt động tại 08 Văn phòng Luật sư. Đội ngũ giám định viên thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng của các cơ quan tiến hành tố tụng và cải cách tư pháp.

          Giữ gìn và phát huy những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành ngành Tư pháp Việt Nam nói chung và ngành Tư pháp Cao Bằng nói riêng, nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Tư pháp và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, trong thời gian tới ngành Tư pháp Cao Bằng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành theo từng năm, từng giai đoạn theo sự chỉ đạo của cấp trên. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức ngành Tư pháp; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng động, sáng tạo. 

          Tiếp bước chặng đường vẻ vang 74 năm xây dựng và phát triển ngành Tư pháp Việt Nam, 37 phát triển của ngành Tư pháp Cao Bằng, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của ngành tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu quyết tâm thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

Ngọc Ánh

Tin khác
1 2 3 4 5  ...